25 Jan 2017

Bản đồ thành phố; những con đường không còn trong trí nhớ

Bài viết cho HanoiCurators ở đây


[Repost]

Đêm hai tám, đang chuẩn bị về quê đón tết Dương thì Evalyn hỏi có mang theo laptop không để viết cho ả một bài cho Hanoi Curators. HC là một ý tưởng hay, tôi nghĩ, nhất là khi đã được nghe ả nói về lý do hình thành nên trang web này, để diễn đạt về một thành phố mà ả đã xa quá lâu để rồi trở về và tìm cách học yêu lần nữa. “Thành phố này trở nên xa lạ quá,” hình như ả nói vậy, “nên tôi muốn qua những mẩu của mình khắc họa một Hà Nội mà tôi có thể yêu, trong lúc nó còn ở đây.” Tôi không thực sự nhớ rõ Evalyn nói nguyên văn thế nào, nhưng đấy dường như là cái cách tôi đã muốn hiểu về việc tại sao ả lại dành thời gian làm điều này.

- - -

Hà Nội. Tôi đã xa thành phố này gần nửa thập kỷ rồi, và mỗi lần trở về đều thấy nó khác hơn một chút. Tôi đi năm 2011, trước lúc ra đi vẫn ở ngôi nhà thơ ấu của mình cạnh một trường cấp III, lúc bấy giờ đường Trần Duy Hưng vẫn là một nơi xa xôi vạn dặm chẳng mấy ai đi đến, họa hoằn lắm thì ra đấy để đi Big C. Đường Yên Lãng vẫn chưa làm xong, Hoàng Cầu vẫn đang là con ngõ nhỏ, và đường Kim Liên mới thì vẫn còn mới xây. Chưa có cái cầu vượt chỗ phố Huế, tôi cũng không nhớ rõ lắm đã có cái cầu vượt ở Tây Sơn chưa hay vẫn đang xây dở. Hè năm 2014 tôi trở về với một loạt cầu đã xây, giao thông có lẽ đã đỡ bị ùn tắc, nhưng tôi cũng không rõ nữa, vì tôi chưa bao giờ dừng lại để mà làm quen với những gương mặt ngày ngày đeo khẩu trang lao trên đường đến những nơi cần đến – không biết trong số họ đâu là những người vẫn ngày ngày đi ở thành phố này và bao nhiêu người là những gương mặt mới đã xuất hiện trong ba năm tôi không về. Tôi cũng không thể dựa vào trí nhớ của mình để đong đếm xem thành phố đã khác bao nhiêu để nêu cảm nhận. Con phố trước ngõ nhà cũ của tôi vẫn vậy, bạn bè tôi vẫn tụ tập ở quán trà chanh tên là Bệt ở D5. Tôi đã không nhận ra rằng nó đã đổi chủ rồi – tôi còn nhớ mùa đông năm 2010 là khi quán mở. Ngày đầu tiên quán được mở, chủ quán là mấy bạn sinh viên đang lục tục kéo ghế ra vỉa hè. Tôi lúc đấy còn đang thích một em này, hai đứa lò dò vào ngồi làm thành khách đầu tiên của quán, gọi hai cốc trà chanh với một túi hướng dương trắng. Có lẽ quán đã đổi chủ từ lúc họ dừng không bán hướng dương trắng nữa, nhưng tôi thì chẳng nghĩ gì – có ai thực sự quan tâm đến một quán trà vỉa hè để biết được những câu chuyện gì xảy ra đằng sau nó?

Một năm sau khi tôi rời Việt Nam, nhà tôi chuyển từ khu đô thị cũ ra tít tận ngoại ô, phải đi đường đại lộ Thăng Long tầm bảy cây mới đến nơi. Nhà cũ của tôi cho người ta thuê làm cửa hàng đồ ăn và cà phê. Có một lần tôi đi vào tận nhà và thấy những bức tường két bẩn đầy dầu mỡ, bộ cầu thang gỗ lim yêu thích của ba tôi đã trở nên sứt sẹo vì người ta giẫm cả giày lên mà đi. Phòng ngủ của ba mẹ tôi, rộng nhất nhà, biến thành phòng cho bọn trẻ con ngồi bệt xuống đất để ăn mấy món mà hồi bằng tuổi tụi nó tôi cũng hay cuối giờ đi ăn – khoai tây chiên, nem chua rán, cơm rang. Kiểu vậy. Có một cái gì đó hơi đáng sợ về việc một không gian đáng lẽ ra là nơi phải chứa nhiều kỉ niệm – tôi ở đó từ năm 4 tuổi đến năm 23 tuổi – bị phá bỏ những cấu trúc thượng tầng và trở thành cái gì đó không nằm trong phần kí ức của tôi về nó.

Người ta nói nếu không đi xa một thời gian, chúng ta trở nên mù lòa về sự thay đổi của không gian quanh mình đến mức dường như chấp nhận mọi thay đổi như một sự hiển nhiên. Đó cũng là cái cách mà con người ta từ từ tha hóa bản thân khỏi cuộc đời, tôi nghĩ vậy. Tôi đã không nghĩ về thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên như một địa điểm hay một nơi chốn trong những ngày tôi sống trong lòng nó. Tôi cũng không nghĩ về những con người lạ mặt hàng ngày sát cạnh tôi mỗi khi tắc đường, tôi không tự hỏi họ là ai và cuộc đời của họ có nghĩa gì. Tôi chỉ muốn đi từ điểm A đến điểm B và những con ngõ giúp tôi tránh trục đường chính và mớ giao thông hỗn độn xung quanh. Tôi không quan tâm lắm đến cái cách mà những con đường bị đục thủng hay được trải nhựa, quy hoạch thành phố hay những tòa nhà chọc trời đang được xây lên hàng ngày, đối với tôi chúng không hẳn là ảnh hưởng đến cá nhân, một người trẻ còn chưa thuộc đường đi lối lại của thành phố cũ nữa là những cái tên của những con đường mới.

Nhưng rồi tôi ra đi. Và khi trở về, có những con đường và những con phố đã biến dạng hoàn toàn. Có những đoạn đường đi ngang qua tôi nheo mắt một lúc lâu, cố mường tượng xem tại sao nó trông quen quen nhưng không tài nào nhớ ra điều gì đã đổi thay ở nó. Tôi thầm ước tôi đã chụp một tấm ảnh của con đường này khi còn có thể, để khi gặp lại tôi có thể nhận ra những gì đã biến mất những gì được thêm vào.

Tôi vừa về Việt Nam hồi đầu tháng Mười hai vừa rồi, vì một lý do riêng tư, và được một chị người thơ này mời đến một buổi đọc thơ về Những Không gian biến mất. Những người thơ này nói với tôi buổi đọc thơ là để tưởng nhớ những linh cữu không gian của những khoảng không đã bị lấp đầy bởi gạch đá và nhà thầu xây dựng như là Cama ATK và Hanoi Cinematheque hay zone 9. Mùng 4 tháng mười hai, khi tôi mới trở về đến nơi và nhắn Evalyn đi uống một cốc ở Cama ATK thì ả thông báo với tôi nó đã đóng cửa mất rồi. Trước khi về vài hôm thì được tin Hanoi Cinematheque cũng đã bị tập đoàn Vingroup mua lại để xây dựng khu thương mại. Buổi đọc thơ muốn tưởng nhớ những không gian văn hóa đó, được tổ chức ở Art Vietnam Gallery – lúc bấy giờ đang ở tầng hai trong một con ngõ trên đường Lý Quốc Sư, ngay cạnh chùa Lý Triều Quốc Sư. (Side note: ngôi chùa này lại chính là nơi tôi thủa bé rất hay lưu đến, vì các vị sư trong chùa đã giải mộng cho mẹ thân sinh trong lúc mang thai tôi – nhưng đó lại là một câu chuyện khác.) Điều mỉa mai là, buổi đọc thơ ấy cũng lại chính là sự kiện cuối cùng diễn ra trước khi Art Gallery Vietnam bị giải tỏa và phải trả lại địa điểm – tôi không hỏi kĩ lý do, nhưng tôi đoán lý do cũng không có gì mới hơn việc không gian ấy cần được sử dụng một cách “hợp lý” hơn, như là làm gì đó ra tiền chẳng hạn.

Có một cuộc đối thoại về sự đóng cửa của Hanoi Cinematheque diễn ra trước khi tôi về nên tôi không đến kịp. Nghe Evalyn kể lại, buổi đối thoại đó có những nhà trí thức và kiến trúc sư và luật sư đến để nói về hệ quả của việc giải tỏa những không gian văn hóa để tạo chỗ cho trung tâm thương mại. Tôi nhớ một trong những ý kiến đưa ra bởi nhân vật trí thức nổi tiếng nọ, cho rằng chúng ta không cần thêm một khu thương mại vui chơi nữa, mà cần những không gian văn hóa để phục vụ cho những đối tượng văn nghệ sĩ và khán thính giả yêu văn nghệ. Tôi đồng tình với quan điểm ấy – nhưng vì một lý do khác. Tôi nhớ đã trao đổi với chị người thơ đã mời tôi đến buổi đọc thơ, nói rằng tôi không muốn lãng mạn hóa sự biến mất của không gian như là cái gì đó không thực và huyễn hoặc. Có một cái gì đó chọn lọc về những không gian văn hóa chúng ta khóc thương này, như tôi nói với chị. Giải tỏa và thu hồi đất đã diễn ra hơn chục năm nay ở các thị xã, các vùng quê, người dân mất đất bị chính quyền đàn áp thậm chí có những vụ còn gửi cả quân đội ra để thu hồi đất lại để xây nhà máy công nghiệp.
Hồi năm 2006 tôi theo đoàn khoa Xã hội học về Bắc Ninh để phỏng vấn người dân về tình trạng mất đất và được nghe kể rằng các khu công nghiệp được thuê đất với điều kiện phải thuê người nông dân ở đó làm việc để bù đắp cho việc họ mất đất nông nghiệp và kế sinh nhai. Nhưng họ cũng chỉ được thuê quý đầu cho có, rồi lại bị đuổi việc vì lý do “kém tay nghề,” và thế là tay trắng. Tôi đọc được những bài báo người dân lên thủ đô đứng biểu tình cũng bị đuổi về, bị công an quận công an phường dẹp bỏ – nhà nào thương họ mà cho họ thuê nhà đêm để ngủ cũng bị chính quyền làm khó, báo đài thì không bao giờ đăng về những vụ việc như vậy, nên những không gian bị xóa ấy trở nên câm lặng như chính những con người mà đời sống họ đang phụ thuộc vào nó. Tôi nói với chị, việc chúng ta chọn một quán bar và một khu chiếu phim để khóc thương, đối với tôi mà nói thì hơi bất nhẫn, dù rằng tôi có những mối thiện cảm đặc biệt với quán bar ấy – nó là một trong những nơi cộng đồng LGBT ở Hà Nội có thể an toàn thể hiện bản thân, và Hanoi Cinematheque là nơi để người yêu điện ảnh có thể tiếp cận với những thước phim cũ không phải là bom tấn thị trường. Nhưng nếu chỉ chọn nó để khóc thương, vì nó gần gụi với cái lợi ích bản thân, thì sự đưa tang của chúng ta hơi hẹp hòi và cần được hiểu rộng ra trên bức tranh toàn cảnh.

Tôi lại nghĩ đến những con đường vô danh đã biến đổi và kèm theo đó là cuộc sống của người dân trên những con đường ấy, mà bởi vì sự biến chuyển xảy ra chậm rãi và từ từ, không ai thực sự quan tâm để dừng lại tự hỏi xem những sự thay đổi ấy đã diễn ra thế nào, từ bao giờ, bởi những ai. Hanoi Cinematheque và Cama có một cái tên và một định nghĩa rõ ràng để gọi khi ta mai táng chúng, nhưng khi cuộc đối thoại dừng lại ở việc trang trọng đặt những cái tên đó vào quá khứ, liệu nó có lợi ích gì ngoại trừ việc khiến những người có mặt trong buổi đưa tang cảm thấy tâm hồn mình giàu hơn một chút? Đó là lý do tại sao tôi nói tôi đồng tình với ý kiến rằng chúng ta cần những đặc khu văn hóa bên cạnh những khu thương mại, nhưng không phải chỉ vì những đặc khu ấy phục vụ cho một số đối tượng nhất định. Sự phát triển của một thành phố không bao giờ chỉ được dựa trên hạ tầng cơ sở mà còn phải nằm ở thượng tầng kiến trúc; nói cách khác, khu đô thị mua sắm hay những nơi phục vụ cho đời sống tiện lợi của người dân chỉ là những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn. Những đặc khu văn hóa, ngay cả khi không sinh lợi nhuận, vẫn là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển xã hội một cách hoàn thiện – tạo ra những không gian công nơi cộng đồng có thể giao lưu, trao đổi về mặt tinh thần. Khu mua sắm, nói cho rõ ra, thực chất là tài sản riêng của một chủ tư bản, đem lợi nhuận về cho tập đoàn thương mại sở hữu khu mua sắm ấy cũng như những nhãn hàng có cửa hiệu bên trong. Nó chỉ mở cửa đối với những đối tượng khách hàng vào đó để tiêu tiền, chứ chưa và không bao giờ được mở với mục đích phục vụ quần chúng.

Nhưng có lẽ phần đa người dân thiếu chỗ chơi chỗ đi sẽ ưa thích khu mua sắm vui chơi hơn đặc khu văn hóa nơi những thành phần trí thức tinh hoa tụ họp, và theo tôi đó chính là sự thất bại của nền giáo dục chạy theo thành quả, dạy con người ta từ tấm bé rằng học là để có cái bằng để sau này có công ăn việc làm, không phải lao động chân tay. Nếu tri thức được gói gọn thành vốn tư bản để chuẩn bị cho con người ta thành cỗ máy lao động kiếm tiền, những tri thức văn hóa đến từ văn chương, nghệ thuật, phim ảnh, tất nhiên sẽ bị coi nhẹ. Không phải tự nhiên mà xu hướng chủ nghĩa tư bản tân tự do, ngay cả ở các nước phát triển, đang tái quy hoạch nền giáo dục bằng cách bỏ đi nguồn vốn hỗ trợ cho những bộ môn như vẽ, âm nhạc, những loại hình tri thức sáng tạo vốn góp phần rất lớn trong việc hình thành nhân cách và tư duy của trẻ em. Tôi lại nghĩ, thế hệ sau tiếp của chúng ta sẽ lớn lên thế nào khi bao quanh nó là công trường, cầu đường, khói bụi ô tô, những tòa nhà chọc trời, những khu đô thị mới? Và những con người của thời đại cũ, những ngành nghề xưa cũ đã góp phần tạo nên xã hội Việt Nam đang bị xóa bỏ cùng với cái gọi là hội nhập phát triển – họ sẽ sinh sống cùng chủ nghĩa kinh tế tiêu dùng như thế nào, hay sẽ lại chỉ tồn tại như một thứ tiền-kí ức, vẫn ở đó nhưng thay vì đóng vai trò sản xuất cung cấp hàng hóa và làm kinh tế, lại trở thành những biểu tượng của một Hà Nội xưa, một thứ hình ảnh cho người ta chụp và triển lãm.

Tôi lại nhớ đến chùm ảnh của nhà nhiếp ảnh nọ đứng trên cầu chụp những chị đội nón đi xe đạp chở những thúng hoa đi trên đường – chùm ảnh trở nên nổi tiếng và mọi người thi nhau share trên facebook với những caption cảm khái về một Hà Nội đẹp, rằng đây chính là biểu tượng của Hà Nội, gánh hàng rong. Hay có triển lãm làng nghề nọ, mà Evalyn hẳn là rõ hơn tôi, của những nghệ sĩ đương đại và nhà nghiên cứu tây học đến nghiên cứu xem rốt cục là họ làm ăn như thế nào, họ sống sót ra sao trong thời buổi kinh tế thị trường hậu đổi mới, rồi ra một cuốn sách và cuộc triển lãm kéo dài một tuần. Tôi cũng không rõ sau khi triển lãm kết thúc và cuốn sách ra đời, sẽ có gì thay đổi về kế sinh nhai cho họ hay không, nhưng nó làm tôi nghĩ mãi về những khó khăn của một đất nước hậu chiến tranh khi cả nền kinh tế lẫn văn hóa của chúng ta bị đang dần bị bào mòn và bão hòa vào cái gọi là “thị trường tự do thế giới.”

Lẫn đâu đó vào trong nỗi buồn của cá thể trung lưu thành thị tha hương như tôi về sự biến mất của ngôi nhà thơ ấu và những nơi chốn tôi vẫn thường ghé những ngày ở Việt Nam, tôi nghĩ về cái tương lai không sáng sủa của những con đường đầy khói bụi và đô thị quá tải. Trong những bộ phim scifi bi tưởng (dystopia), ví dụ như bộ phim yêu thích của tôi Ghost in the Shell (1995), đạo diễn dùng Hongkong làm hình mẫu cho thành phố tương lai, nơi sự phân hóa giàu nghèo và sự phân tầng xã hội trở nên cực đoan với những khu ổ chuột trong trung tâm thành phố và những cửa hàng tiện dụng 24/7 nhan nhản mọi nơi, và ở một khu khác là đô thị nguy nga với những tòa nhà tráng lệ. Khi tôi đứng ở ngã tư Chùa Bộc – Tôn Thất Tùng, nhìn thấy bên này đường là Vincom mới xây và ngay đối diện nó là khu nhà tập thể cũ kĩ; hay lần cuối cùng tôi đi đến cuối đường Trường Chinh, những ngôi nhà đổ nát vẫn có người sống trong đó bên cạnh mặt đường thênh thang sáu bảy làn đường ô tô chạy, tôi chợt nghĩ rằng tương lai bi tưởng đang ở đây rồi, ngay ở thành phố của tôi.

Câu hỏi là, liệu khóc thương và đưa tiễn những không gian được đặt tên đã biến mất có còn là đủ, khi tất cả mọi không gian trên diện rộng của thành phố đã và đang nằm trong kế hoạch quy hoạch trong hai mươi năm tới, đi kèm với nó là sự di dời giải tỏa khu dân cư nghèo và làn sóng nhập cư từ những nước giàu có hơn chúng ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, với những khu đô thị xây gần như dành riêng cho họ? Và lần tới nữa trở về, đã có những không gian không tên nào biến mất hay thay máu mà thậm chí tôi còn chẳng nhận ra?