viết và sở hữu bởi Nguyễn Thúy Ly. Xin trích dẫn nguồn nếu repost.
Trong khi đang tìm cách chống đỡ với sự thật là Donald Trump đã trúng cử tổng thống thông qua phiếu bầu đại cử tri (Hillary Clinton thắng phiếu bầu quần chúng), tôi nhận thấy mình đang đi tìm đọc thông tin về cách đối phó với bạo hành. Tại sao lại là bạo hành - độc giả sẽ hỏi tôi? Bài viết này của tôi là một nỗ lực mong muốn hiểu được tại sao một cá thể tượng trưng cho những gì trái ngược hẳn với những giá trị mà các quốc gia hiện đại luôn tự xưng rằng đại diện cho cấu trúc xã hội và luật pháp của họ lại trở thành tổng thống được lựa chọn, và tôi sẽ dùng thứ ngôn ngữ chúng ta vốn thường sử dụng cho một dạng quan hệ xã hội tình cảm riêng tư, đôi khi quá riêng tư cộng đồng thậm chí còn không muốn biết đến những gì xảy ra đằng sau cửa đóng: bạo hành và những di chứng của bạo hành đối với nạn nhân hay người sống sót.
Có ba điểm sau tôi sẽ bàn đến khi nói về bạo hành:
- Nước Mỹ trong giai đoạn hiện tại đang bị ngược đãi bởi hệ thống chính quyền của nó. Người dân Mỹ đang ở trong một mối quan hệ bạo hành với giai cấp cầm quyền và hệ thống chính trị và truyền thông của đất nước này.
- Tổng thống được lựa chọn của Mỹ, Donald Trump, là một kẻ bạo hành nghĩa đen, một quả bom kích hoạt biết đi với những phát ngôn bạo lực về xâm hại tình dục, có xu hướng ái nhi [1] hơn vợ mình thì có sai không?” nhưng phần câu hỏi này đã bị chỉnh sửa và không xuất hiện trong bản in chính thức. Những thành viên của cuộc thi Hoa hậu thiếu niên Mỹ (Miss Teen USA) cũng đã từng tố cáo Donald Trump đi vào phòng thay quần áo của các em giữa giờ thay đồ.] và đã bị khởi kiện về hiếp dâm trẻ em (hiện đã bị rút lại sau khi Trump thắng cử), hay vụ lừa đảo của trường đại học Trump mà tại thời điểm hiện tại, Trump đã đồng ý chi trả 25 triệu đô la để dàn xếp pháp lý 10 ngày trước khi phiên tòa xét xử ở San Diego diễn ra.
- Những kẻ xâm hại và bạo hành đã và đang được bật đèn xanh để thực thi những tội ác nhân quyền (hate crimes), hành vi bạo lực và quấy rối đối với những nhóm người mà Donald Trump lăng mạ trong suốt thời gian tuyển cử: dân nhập cư, dân Hồi giáo, dân Mexico, người da đen, người nữ, gần như mọi nhóm thiểu số. Ngay cả nhóm LGBTQ, nhóm thiểu số mà Trump không mấy khi nói đến, cũng vẫn là nạn nhân của nhóm người nhân cơ hội Trump để thể hiện ra mặt những sự phân biệt giới, tính, chủng tộc, sự bài ngoại của mình.
Chiến thắng của Trump và hệ lụy
Trước khi đi sâu vào luận điểm “nước Mỹ đang ở trong một mối quan hệ bạo hành với hệ thống chính quyền của nó” như một lý do cho chiến thắng của Trump, tôi sẽ tóm tắt và phân tích qua một số lời giải thích cho hiện tượng này.
Đã có nhiều bài báo tìm cách giải nghĩa chiến thắng của Trump. Một trong những bài viết đáng đọc đến từ Nathan J. Robinson, “Điều này nghĩa là gì, tại sao nó lại xảy ra, phải làm gì bây giờ - chống chọi với việc Donald Trump trúng cử.” Bài viết này đã đả thông một số lý luận giáo điều dễ dãi đến từ cánh trái về việc đổ lỗi cho dân da trắng ở vùng quê nghèo, những người “cổ đỏ” (redneck) thủ cựu và quê mùa, cộc cằn, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới, đã áp đảo số lượng những người da trắng có học thức khác trong việc lựa chọn Donald Trump. Số liệu thống kê bầu cử đầu ra cũng ủng hộ quan sát này: Theo thông số thống kê thu thập bởi CNN, The Guardian cho biết
“… cử tri da trắng đi bầu cho Trump bao gồm cả hai giới, gần như tất cả các lứa tuổi và trình độ học vấn, và sở hữu mức thu nhập trung và thượng lưu (chứ không chỉ có nhóm da trắng nghèo).”
Trong bài viết của mình, Robinson chỉ ra sự thất bại của đảng Dân chủ trong việc lý giải sự trỗi dậy của Trump và cách những diễn ngôn của họ về người ủng hộ Trump như những đối tượng “bi thảm” “bị mị dân,” không có đạo đức, và những điều tương tự. Robinson đặt câu hỏi, một cách dự đoán, rằng có khi nào những người ủng hộ Trump làm vậy không phải vì họ ủng hộ những gì Trump kêu gọi và tượng trưng, mà vì họ chống đối Chính phủ và việc một đối tượng như Trump, tồi tệ, cực đoan, và đầy lỗi lầm, trở thành bộ mặt của chính phủ ấy là một sự trả thù ngọt ngào dành cho chính phủ: “Bởi vì một phiếu bầu cho Trump là một nỗ lực đả phá bộ máy cầm quyền, nên việc Trump là kẻ nhớp nhúa, xâm hại tình dục, hay hạ lưu không phải là vấn đề quan trọng.” Lời giải thích này cũng không phải vô căn cứ, nếu như xét đến số lượng cử tri thực sự bầu cử: theo số liệu từ U.S. Election Project, Dave Wasserman và Cục điều tra dân số, trong lần bầu cử này, 58.7% dân số không bầu cử (28.6% không được bầu và 29.9% không bầu), 19.8% bầu cho Hillary Clinton, và 19.5% bầu cho Donald Trump. Hơn một nửa dân số không bầu cử, và khi được phỏng vấn hơn một nửa cử tri trong số 1582 người được hỏi tin rằng hệ thống bầu cử của Mỹ gian lận và thiên vị một số ứng viên nhất định.
Tuy vậy, không có nghĩa rằng chiến thắng của Donald Trump chỉ xuất phát từ những người muốn “ném đá phá hội nghị.” Không thể phủ nhận sự thực rằng Trump lôi cuốn một phần đông những đối tượng cực đoan cánh phải với những quan điểm đáng lo ngại về sắc tộc, bình đẳng giới, kinh tế, quân đội, và môi trường. Giới phát xít mới (NeoNazis) và bên cực hữu cũng như nhiều cựu thành viên của Đảng Cực Thắng Da trắng (KKK) đã ăn mừng chiến thắng của Trump. Chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi Trump trúng cử, hơn 400 tội ác nhân quyền đã diễn ra, từ việc nhiều cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQ bị hành hung, đến việc người nữ da màu bị quấy rối và công kích, từ người da đen, Mỹ Latinh, đến gốc Á, và đặc biệt là người Hồi giáo. Rất nhiều những sự quấy rối xảy ra trong hệ thống cấp tiểu học - trung học, từ việc vẽ bậy viết những lời công kích thóa mạ sắc tộc trong nhà vệ sinh, đến việc học sinh da trắng bắt nạt học sinh da màu, đến việc thầy giáo tiểu học người da trắng mắng chửi học sinh da đen của mình, sử dụng từ n*gger (một loại ngôn từ thóa mạ có tiền lệ từ thời sở hữu nô lệ được dùng để miệt thị người gốc Phi) và nói các em lớn lên sẽ trở thành tội phạm tù mọt gông. Tệ hơn nữa là hiện tượng trẻ em nam tiểu học quấy rối tình dục, động chạm vào chỗ kín của các em gái bởi vì “tổng thống làm được thì em cũng làm được.” Dù sau khi trúng cử, Trump đã lên tiếng phản đối những hiện tượng này và hứa sẽ công bằng - tôi sẽ quay trở lại phân tích động thái này sau để cho độc giả thấy rõ đây thực chất cũng là một trong những chiến thuật của kẻ bạo hành như thế nào sau khi đã đạt được mục đích - nó vẫn không thay đổi được sự thật là toàn bộ cuộc vận động tuyển cử của Trump được xây dựng xoay quanh những phát biểu chia rẽ và bạo lực.
Thêm vào đó, ngay cả khi việc Trump trúng cử có thể được coi như một biểu tượng của việc nhiều người dân chống đối và oán ghét bộ máy nhà nước, thì những lựa chọn về bộ máy điều hành của Trump ngay trong những ngày đầu trúng cử đã nhắc nhở người dân rằng việc Trump trúng cử không chỉ mang tính biểu tượng mà nó sẽ mang đến những hậu quả nhãn tiền. Ví dụ như việc Trump chọn Steve Bannon, một thành viên thuộc nhóm cực hữu ưu thế da trắng (nói cách khác, KKK) làm trưởng cố vấn chính sách (chief counselor of policy), người theo New York Times báo cáo có tiền án bạo hành gia đình, hành hung, và bị cáo buộc tội đe dọa nạn nhân không được khởi tố hay làm chứng, hay việc Trump đề đạt Myron Ebell người ra sức phủ nhận thảm họa môi trường và trái đất nóng lên làm lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường (EPA - Environmental Protection Agency), cũng như việc phó tổng thống Mike Pence bị coi là còn cực đoan hơn cả Trump về mặt tôn giáo và chính sách xã hội với những quan điểm thủ cựu như hình sự hóa quyền nạo phá thai, muốn bỏ tù bác sĩ giúp bệnh nhân nạo phá thai, tin rằng đồng tính luyến ái là bệnh có thể chữa được và nỗ lực ngăn cản quỹ liên bang phòng chống HIV đặc biệt đối với đối tượng thuộc nhóm LGBTQ+, cho rằng nhà nước có quyền quản chế và xâm phạm quyền riêng tư của người dân mà không cần lệnh khám, ủng hộ mở rộng hệ thống tòa án quân sự và sử dụng nhục hình trong điều tra tội phạm chính trị, ủng hộ việc quân đội hóa lực lượng cảnh vệ biên giới và cảnh sát và phủ nhận sự tồn tại của bạo lực cảnh sát. Danh sách còn kéo dài.
Chiến thắng của Trump đại diện cho và đồng thời dẫn đến một cơn khủng hoảng về mặt chính trị xã hội của nước Mỹ. Nhiều người dân, thậm chí có cả những nhà học thuật, kinh ngạc trước diễn biến này và không tin được rằng nước Mỹ lại lựa chọn một con người như vậy thành tổng thống. Nhiều người thuộc giới trí thức da trắng trung lưu tự coi mình là thuộc nhóm tiến bộ (liberal) đã thể hiện sự thất vọng khi nhận ra nước Mỹ không phải là quốc gia phát triển mà họ nghĩ, trong khi đó những nhóm cấp tiến hơn hoặc những nhóm vốn thuộc những cộng đồng bị Trump phỉ báng trong quá trình tuyển cử thì tức giận bởi vì sự chia rẽ của đất nước này đã phản bội họ, và nhóm da trắng tiến bộ đồng minh đã không làm hết sức của mình để ngăn cản chiến thắng này.
Cơn giận dữ chuyển thành những hoạt động phản kháng trực tiếp: Tính cho đến ngày hôm nay các cuộc biểu tình vẫn diễn ra lan rộng khắp các thành phố với con số kỉ lục: 100 nghìn người xuống đường ở New york, Los Angeles, hàng nghìn người bao gồm học sinh trung học và sinh viên diễu hành ở Oakland, Berkeley, Boston, Chicago, San Diego. Theo New York Times, ít nhất 52 thành phố đã tham gia vào phong trào biểu tình - chúng vẫn tiếp tục được tổ chức liên tục từ bây giờ cho đến tháng 1 khi Trump chính thức nhậm chức. Những nhà hoạt động xã hội và nhiều người dân đang lên kế hoạch đóng băng toàn bộ thành phố từ miền đông đến miền tây vào ngày 20/1, nhằm tạo sức ép lên bộ máy chính quyền. Cá nhân tôi vẫn nhớ cái không khó nặng nề bao trùm vào đêm mùng 8/11 khi tin tức về số phiếu bầu cử được cập nhật qua các mạng lưới truyền thông. Vào thời điểm Trump trúng cử, cả quốc gia rúng động. Những cuộc diễu hành trên toàn quốc đã nổ ra ngay lập tức tại ít nhất 25 thành phố, tiêu biểu là: Athens, Austin, Berkeley, Boston, Boulder, Chicago, Dallas, Denver, Houston, Las Vegas, Los Angeles, Nashville, New Orleans, New York, Oakland, Philadelphia, Phoenix, Pittsburgh, Portland, Richmond, San Francisco, Seattle, St. Paul, Tempe, Washington. Ở tại khuôn viên trường đại học California San Diego nơi tôi ở, hơn 500 sinh viên đã đổ ra đường, biểu tình dọc trường và ra tận đường cao tốc.
Giải nghĩa hệ thống phiếu bầu đại cử tri
Một trong những lời phản đối tiêu biểu trong các cuộc biểu tình tôi tham gia xuất phát từ việc chiến thắng của Trump là thông qua phiếu bầu đại cử tri - một hệ thống “giữ cửa” công quyền từ thế kỉ 18 được cho là đã lỗi thời - chứ không phải là do phiếu bầu dân chủ. Vị tổng thống cuối cùng được lựa chọn qua hệ thống này là George W. Bush của đảng Cộng Hòa, người đã thua Al Gore của đảng Dân chủ hơn nửa triệu phiếu bầu quần chúng. Người dân Mỹ vẫn chưa quên sự xuống cấp của nền kinh tế chính trị xã hội quốc gia dưới chính quyền Bush từ năm 2000-2008. Trên danh nghĩa, phiếu bầu đại cử tri được sử dụng để cân bằng số lượng phiếu bầu giữa những bang đông và ít dân cư, song có những lý giải cho rằng một trong những nguyên nhân chính của hệ thống này là để bảo vệ chế độ sở hữu nô lệ, vốn là điểm khác biệt chính trị lớn nhất giữa miền nam và miền bắc nước Mỹ. Akhil Reed Amar viết cho tạp chí Time cho biết đến thời điểm đầu thế kỉ 19, nỗi lo lắng về việc người dân “không đủ thông tin và kiến thức để bầu cử,” vốn được coi như lý do chủ đạo để hệ thống bầu đại cử tri ra đời hồi đầu, đã được giải quyết khi hệ thống hai đảng quốc gia ra đời; toàn thể người dân ở các địa phương từ đó được thông báo về quan điểm của các ứng cử viên trước khi bầu cử. Sửa đổi bổ sung thứ mười hai (12th amendment) đầu những năm 1800 cho phép mỗi đảng được đề cử một ứng viên tổng thống và phó tổng thống đã “tạo điều kiện cho cuộc bầu cử tổng thống tương lai là việc công khai dân túy,” và bởi vậy việc thiếu thông tin của cử tri không còn thực sự là một vấn đề nữa. Tuy nhiên thay vì chuyển sang chế độ bầu cử trực tiếp từ công dân, hệ thống bầu đại cử tri vẫn được giữ lại với lý do rằng hệ thống bầu cử trực tiếp sẽ gây bất lợi cho miền Nam bởi vì miền Bắc có dân số được bầu cử nhiều hơn miền Nam, nơi một phần đông dân số là nô lệ không có quyền bầu cử. Hệ thống bầu đại cử tri ít nhất cho phép các bang miền nam tính đầu người nô lệ bị sở hữu (với tỉ lệ 2/5) vào tổng số dân cư để tăng số phiếu đại cử tri. Nói một cách ngắn gọn, hệ thống bầu đại cử tri đã đưa Trump đến chiến thắng năm 2016 là dựa trên hệ thống bầu đại cử tri từ đầu những năm 1800, tồn tại nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nô miền Nam.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết điều này, cũng như việc biểu tình phản đối Trump đến từ rất nhiều những cá nhân với các góc độ tiếp cận chính trị khác nhau - trong đó có:
- Nhóm cấp tiến (radical) bao gồm các tổ chức cấp cơ sở (grassroot) vốn đã hoài nghi và đả kích hệ thống chính trị và bầu cử chính thống; những người này không tin vào lời hứa dân chủ của một quốc gia nơi hai đảng chính đều nhận sự hỗ trợ tài chính từ phía các nhà tài phiệt và hệ thống tiền tệ nhà băng các tập đoàn.
- Nhóm tiến bộ (liberal) bao gồm những người theo đảng Dân chủ, ủng hộ Hillary Clinton, cho rằng bà là đại diện cho bình quyền xã hội, các chính sách tiến bộ và phát triển. Những người này tin vào quá trình cải cách và tiến bộ của xã hội Mỹ trong hơn bốn thập kỉ vừa qua về mặt bất bình đẳng, cho rằng phân biệt giới và sắc tộc đã “đỡ hơn nhiều,” và không mấy khi đặt câu hỏi phản biện về cơ chế kiểm soát của chính trị truyền thống - hay là sự biến hóa của diễn ngôn sắc tộc suốt chiều dài lịch sử.[Các nhà nghiên cứu lịch sử và xã hội đã chỉ ra việc hệ thống cầm quyền và chính phủ Mỹ tạo ra diễn ngôn về “tội phạm” thay cho diễn ngôn về sắc tộc từ sau khi Sửa đổi bổ sung thứ mười ba (13th Amendment) ra đời năm 1865 bãi bỏ chế độ sở hữu nô lệ và trả tự do cho người bị nô lệ hóa, trừ những đối tượng tội phạm, và bởi vậy bóc lột sắc tộc được hợp pháp hóa khi người da đen bị bắt giữ với tư cách tội phạm. Xem thêm phim tài liệu “13” của đạo diễn Ava DuVernay (2016) để có được cái nhìn toàn cảnh hơn về diễn biến này.]
- Bên cạnh đó là những nhóm người trực tiếp chịu sự áp bức của bất bình đẳng xã hội, giai tầng, phân biệt chủng tộc, giới, tính, cơ thể, quyền con người, vv lên đời sống cá nhân và an toàn cơ thể, với các tư tưởng chính trị giống và khác ở trên, hoặc thậm chí không có tư tưởng chính trị nào rõ rệt, chỉ đơn thuần là phản đối bởi vì những lợi ích và sự an toàn cơ bản của họ bị xâm phạm bởi quan điểm và chính sách của Trump đề ra.
Cũng như vậy, giống như Robinson chỉ ra, những người ủng hộ Trump cũng rất đa dạng, bao gồm từ những đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chiến thắng của Trump như giai cấp thượng lưu được Trump hứa trực tiếp giảm thuế, những người dân lao động tin vào lời hứa của Trump sẽ tạo công ăn việc làm cho họ, những kẻ thích thú vì Trump sử dụng những phát ngôn phân biệt chủng tộc, giới, bài ngoại, ghét bỏ Hồi giáo vì chiến thắng của Trump đồng nghĩa với việc họ cũng có thể thoải mái thể hiện ra những điều ấy mà không sợ hậu quả xã hội hay pháp lý, và tất nhiên, cả những đối tượng Robinson trù tính là đã quá chán ghét hệ thống chính trị mà trở nên phá đám, bất kể hậu quả.
Tất cả những đối tượng này có một điểm chung: phản ứng của họ đối với cuộc bầu cử lần này đều tương tự những trạng thái phản ứng của những đối tượng trong một mối quan hệ bạo hành. Có người nhận thức được và phản kháng, có người thất vọng khi nhận ra sự thật, có những người tuyệt vọng tìm lối thoát, có những người phủ nhận việc mình bị bạo hành, có những người bị kẻ bạo hành lừa dối và thuyết phục rằng mối quan hệ bạo hành này tốt cho họ, và có những người vô cảm với nó bởi không trực tiếp liên quan.
Chiến thuật của kẻ bạo hành (Abusor’s tactics)
Đây là sự thật: Donald Trump là một kẻ bạo hành, và chiến thuật trong suốt thời gian bầu cử của ông ta là những chiến thuật được kẻ bạo hành áp dụng nhằm khống chế nạn nhân. Từ trước đến giờ, ngôn ngữ về các mối quan hệ bạo hành định nghĩa nó như một mối quan hệ riêng tư, nằm ngoài các mối quan hệ xã hội công. Theo định nghĩa của tổ chức NCADV (National Coalition Against Domestic Violence), bạo hành gia đình là:
“sự cố tình hăm dọa, hành hung thể xác, đánh đập, bạo hành tính dục, và/hoặc nhiều hành vi bạo ngược khác như một phần của hệ thống khuôn mẫu hành vi của quyền lực và điều khiển được sử dụng bởi một thành viên đối với thành viên còn lại trong quan hệ tình cảm. Nó bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý, và ngược đãi tinh thần. Mức độ thường xuyên hay nặng nề của bạo hành gia đình có thể rất khác nhau; tuy nhiên một yếu tố cố định của bạo hành gia đình là việc một thể liên tục tìm cách sở hữu quyền lực và điều khiển người còn lại… Bạo hành gia đình có thể dẫn đến chấn thương thể xác, ám ảnh tâm lý, và trong những trường hợp đặc biệt, cái chết. Những hệ quả đau thương về mặt thể xác, tâm lý, và tình cảm có thể để lại truyền đời và kéo dài suốt cuộc đời.”
Nhưng hãy thử tìm sự tương đồng giữa các chiến thuật bạo hành gia đình và chiến thuật tranh cử được sử dụng trong cuộc vận động của Trump. Mô hình “Quyền lực và Điều khiến” theo Mẫu Duluth dưới đây thuộc sở hữu trí tuệ của Domestic Abuse Intervention Project, bao gồm 8 mẫu hành vi thường thấy của kẻ bạo hành trong quá trình chi phối nạn nhân của mình:
1. O ép và dọa dẫm
2. Hăm dọa qua hành động
3. Bạo hành về tâm lý
4. Bạo hành về kinh tê
5. Sử dụng đặc quyền giới
6. Cô lập nạn nhân
7. Dùng trẻ làm sức ép
8. Giảm thiểu, phủ nhận, và đổ lỗi
Quá trình vận động của Donald Trump xoay quanh những chiến thuật gần như tương thích với những mẫu hành vi này, đặc biệt khi những chính sách đề ra của Trump đều dựa trên sự hăm dọa bằng lời nói (”xây tường giữa biên giới,” “trục xuất dân nhập cư,”) hay hành động (để yên cho cổ động viên của mình dùng bạo lực trực tiếp hay gián tiếp để hăm dọa những nhóm người bị hướng đến), sử dụng đặc quyền giới (liên tục khẳng định ở sự tuyệt biến của mình một cách vĩ cuồng “tôi biết những người tốt nhất, có những kế hoạch tốt nhất,” liên tục sử dụng những ngôn ngữ mang tính phân biệt giới và bạo lực đối với người nữ (”grab them by the p*ssy,” “nếu đấy không phải con gái tôi thì tôi đã hẹn hò với nó,” “bắt giam Hilarry,” “thật là một người đàn bà đáng tớm”) đồng thời giảm thiểu, phủ nhận và đổ lỗi cho nạn nhân (“đấy chỉ là nói cho vui thôi, không có gì nghiêm trọng,” “dân nhập cư chiếm hết việc của người Mỹ”). Những chiến thuật như bạo hành tâm lý, cô lập nạn nhân thể hiện ở việc nhắm đến những cộng đồng nhất định như người Mexico, dân Hồi giáo, sử dụng những ngôn từ tập trung vào việc mô tả và khắc họa họ như tội đồ, tội phạm, khác biệt khỏi cộng đồng “dân Mỹ” và từ đó cắt đứt mối quan hệ xã hội về mặt tư tưởng giữa những nhóm người này với cổ động viên của mình. Nói cách khác, thông qua diễn ngôn sắc tộc, Trump kêu gọi người ủng hộ của mình coi một số cộng đồng như kẻ thù, như những kẻ xứng đáng bị trừng phạt và coi thường và sợ hãi, chứ không phải là những con người cũng có quyền sống và tồn tại một cách công bẳng trong xã hội. Những món nợ thuế hay các vụ lừa đảo kinh tế của Trump chính là bằng chứng cho sự bạo hành về kinh tế trên diện rộng đối với nền kinh tế Mỹ nói chung, và Trump liên tục phủ nhận những điều này bằng cách dùng các chiến thuật còn lại để hướng sự chú ý của quần chúng đến những vấn đề do ông ta dựng ra. Dùng trẻ làm sức ép cũng là một trong những biện pháp Trump sử dụng theo nghĩa đen, khi nhóm vận động của ông ta thuê một nhóm trẻ em gái múa hát ca ngợi mình và rồi quịt tiền cát xê của họ.
Nói cách khác, Trump với tư cách một kẻ bạo hành nghĩa đen trong mối quan hệ riêng tư cũng đồng thời là một kẻ bạo hành trong quá trình tranh cử - và chiến thuật Trump sử dụng nhiều nhất và nhuẫn nhuyễn nhất chính là “gaslighting” - khả năng biến có thành không, biến đổi thực tế, phủ nhận những gì đang xảy ra, lừa dối người cùng đối thoại, khiến người xung quanh có một cái nhìn lệch lạc về hiện thực. Khái niệm gaslighting xuất phát từ vở kịch có tên Gas Light (1983) trong đó người chồng vì muốn người vợ tưởng chính mình đã phát điên nên đã thay đổi những chi tiết nhỏ trong nhà và chối khi vợ hỏi đến. Lâu dần người vợ nghĩ mình tưởng tượng ra những sự thay đổi ấy và cho rằng mình đã phát điên. Khái niệm này được các nhà tâm lý sử dụng để đặt tên cho cách những kẻ bạo hành, những kẻ thái nhân (psychopath), hay người nói dối bệnh lý [pathological liar], hay những người ái kỷ [narcissist] thao túng người khác bằng việc lừa dối.
Tác động lên nạn nhân
Nếu như nhìn nhận cách này, thì bản thân những người cổ động Trump, bên cạnh những người cũng là kẻ bạo hành và ủng hộ những thông điệp của Trump một cách nghiêm túc, thì những người tin tưởng ông ta cũng đã bị thao túng bởi những chiến thuật này, bao gồm nhóm dân nghèo da trắng và cả người nữ da trắng. Thống kê đáng giật mình rằng 53% người nữ da trắng đi bầu cử đã bầu cho Trump, và được lý giải rằng những người nữ này thực chất đã coi trọng những lời kêu gọi về sự ưu thắng của da trắng mà Trump đưa ra hơn là nhìn vào sự thật rằng Trump là kẻ ghét đàn bà và phân biệt giới. Một bài viết gần đây cũng chỉ ra lý do cho việc người nữ da trắng chọn Trump bởi diễn ngôn sắc tộc mà ông ta sử dụng có hàm ý gợi nhắc về việc “bảo vệ sự an nguy của nữ giới da trắng” bằng cách gọi người Mexico là “tội phạm, những kẻ cưỡng dâm” và gọi dân Hồi giáo là “lũ người hung hiểm lẫn trong cộng đồng của chúng ta” sẽ gây nguy hại cho vợ con chúng ta. Tôi muốn chỉ ra thêm một lý do không được nhắc đến trong cuộc đối thoại đó: nếu như thống kê chỉ ra rằng 1 trong 3 người nữ ở Mỹ đã từng ở trong một mối quan hệ bạo hành với người tình/ bạn đời của mình, thì liệu trong tổng số 53% những người nữ da trắng bầu cho Trump kia, bao nhiêu người đã làm vậy bởi vì (1) họ bị ép buộc bầu theo nghĩa đen và (2) hiện thực của họ đã bị xoắn vặn đến nỗi họ yêu kẻ bạo hành mình?
Bạo hành không phải là một hành vi nhất định vào một thời điểm nhất định. Nó là một quá trình dài, theo nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Tina de Benedictis, Jaelline Jaffe, và Jeanne Segal:
“Một mô hình phổ biến của bạo hành gia đình là kẻ bạo hành luân phiên giữa bạo lực, các hành vi bạo hành, và sự hối lỗi kèm những lời hứa sẽ thay đổi (sau khi đã đạt được mục đích hoặc sau hành vi bạo hành). Thậm chí sau đó kẻ bạo hành còn hành xử rất dễ chịu. Đó chính là sự quyến rũ của kẻ bạo hành và là lý do tại sao rất nhiều người không thể rời khỏi mối quan hệ bạo hành.”
Chính nhận xét này đã làm tôi liên tưởng đến bạo hành gia đình khi nghĩ về cuộc tuyển cử lần này. Sau chiến dịch tuyển cử hung hăng của mình, Trump lại quay sang giọng điệu hòa hoãn và hứa “sẽ trở thành tổng thống của mọi người dân,” “sẽ không bắt giam Hillary,” “sẽ không xây tường” để xoa dịu quần chúng, để bình thường hóa hình ảnh bạo lực của mình và đưa ra những lời hứa rỗng không ru ngủ quần chúng, tạo ra sự an toàn giả lập. Thêm vào đó, vào năm 2014, #whyIstayed (tại sao tôi ở lại) trở thành một hashtag dẫn đầu trên twitter nơi những người sống sót (survivor) trong mối quan hệ bạo hành giải thích lý do tại sao họ không thể cứ thể bỏ đi và làm lại từ đầu thay vì “cứ ngồi đấy mà nhận bạo hành” như những người bình thường không hiểu chuyện thường đặt câu hỏi. Những ngày đầu khi nghe tin Trump tự vận động tuyển cử, trên các mạng xã hội đặc biệt là Twitter, FB rộ lên một phong trào thể hiện sự bức xúc bằng cách nói rằng họ sẽ di cư sang Canada. Phong trào này cũng manh mún như một dạng mỉa mai thể hiện thái độ phản bác từ nhiều phía trong những lần bầu cử trước. Thử google search “if_____ wins I’m moving” độc giả sẽ thấy có những kết quả tương tự nhau dành cho cả Barack Obama, Hillary Clinton, và Donald Trump. Lối nói này kéo dài suốt thời kì bầu cử 2016 như một dạng nửa đùa nửa thật, nhưng nó trở nên thật hơn bao giờ hết trong đêm 8/11 khi kết quả bỏ phiếu trực tuyến cho thấy Hillary Clinton và Trump có tỉ lệ tương đương, trang website về thông tin nhập cư di trú của Canada đã bị sập do quá nhiều lượt truy cập. Không có bằng chứng thực tế chứng minh rằng website nhập cư di trú sập là do luồng truy cập từ Mỹ, nhưng điều chính yếu ở đây là, thứ giống như một trò đùa ban đầu ai cũng bật cười trở nên gượng gạo khi nó kéo dài lâu hơn thường và rồi mọi người nhìn ra xung quanh và nhận ra có những người thật sự suy xét có khi nào đây là giải pháp tối ưu?
Nhưng cũng giống như một mối quan hệ bạo hành, chỉ có những người nào có vốn tư bản mới có thể nghĩ đến chuyện đào thoát và làm lại từ đầu, ví dụ như có nguồn hỗ trợ bên ngoài như gia đình, bạn bè, có nguồn thu nhập cá nhân, và bị cách khỏi các mối quan hệ xã hội. Không phải một cách tình cờ mà hầu hết phần đa những người nửa đùa nửa thật than phiền rằng họ sẽ di cư nếu Trump trúng cử đều là những người thuộc đảng Dân chủ, bậc trung lưu có của ăn của để, phần nhiều là da trắng. Có gần 20 ngôi sao nổi tiếng cũng phát ngôn rằng họ sẽ chuyển sang Canada nếu Trump thắng. Hiện tượng “dọa di cư” này phổ biến đến nỗi có hẳn website dontmovetocanada.com do một ủy ban hoạt động chính trị độc lập ủng hộ Clinton, Priorities USA Action, lập ra để khuyến khích người dân ở lại mà bầu cử. Có tác giả còn phải viết một bài chi tiết về các thủ tục pháp lý và các yêu cầu cần thỏa mãn đối với việc di cư, chỉ nhằm chỉ ra rằng những người có thể nghĩ đến chuyện di cư như một giải pháp thực ra toàn những người thuộc nhóm đặc quyền đặc lợi, và thậm chí cũng sẽ chẳng bị ảnh hưởng mấy nếu Trump trúng cử. Nguyên văn bài viết có tên “Dừng lại đi, di trú sang Canada nếu Trump thắng không phải là quyền tự do lựa chọn cho hầu hết mọi người.”
Nhiều nghiên cứu về bạo hành gia đình chỉ ra rằng trong một mối quan hệ bạo hành, có rất nhiều tình trạng khác nhau đối với nạn nhân: nạn nhân không biết mình bị bạo hành, nạn nhân phụ thuộc vào kẻ bạo hành về mặt tâm lý và tin rằng kẻ bạo hành muốn tốt cho mình, nạn nhân biết mình bị bạo hành nhưng không thể rời thoát sau một thời gian dài bị thao túng và kìm kẹp trong một mối quan hệ, nạn nhân tìm cách chống trả và bị bạo hành nặng hơn nữa thậm chí có trường hợp bị giết hại, và có nhiều những trường hợp kẻ bạo hành - vốn thường bên ngoài trông rất đường hoàng, tử tế, được xã hội và mọi người tôn trọng, đã thành công trong việc thuyết phục tất cả mọi người xung quanh, bao gồm cả bạn bè của nạn nhân, rằng chính nạn nhân mới là nguyên nhân gây ra mọi chuyện, cần phải được “chữa trị” hoặc cách ly hoặc cho vào viện tâm thần. [2]
Nhóm người “dọa di cư” ở trên, như bài viết trên chỉ ra, thực chất không thực sự là nạn nhân của cuộc bạo hành, mà chỉ là một nhóm người chứng kiến/ đoán biết được rằng có sự bạo hành đang hoặc có khả năng diễn ra và khó chịu với nó nhưng không muốn trực tiếp đối đầu với kẻ bạo hành. Cũng giống như nhiều trường hợp trong thực tế - những người xung quanh nạn nhân/ người sống sót không phải ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, ngay cả khi đó là điều về mặt đạo đức ai cũng nghĩ mình sẽ làm. Những người này là ai - chính là những nhóm người phần đa sống một cách an toàn vì những thứ bạo lực xã hội từ trước đến giờ không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống cá nhân của họ - nhóm da trắng dị tính trung lưu, cả nam lẫn nữ. Còn những nhóm người bên lề khác như cộng đồng dân da màu, LGBTQ, chuyển giới, tầng lớp lao động, người nhập cư, người tị nạn, Trump không phải là mối đe dọa mới, mà là mối đe dọa trường kì được nhân lên gấp trăm lần.
Nhìn nhận lại hiện thực xã hội Mỹ
Như vậy, bài viết này của tôi không chỉ nhắm đến Trump hay những cổ động viên cuồng tín của ông ta - Trump không phải kẻ bạo hành duy nhất, kẻ độc tài đột biến làm vẩn đục lịch sử trong trẻo của nước Mỹ, cũng như những kẻ theo đuôi gây tội ác nhân quyền không phải tự dưng mà có xu hướng bạo lực ấy. Nó là hệ quả, tương quan, và thậm chí cả tiền đề cho hệ thống cầm quyền của nước Mỹ suốt chiều dài lịch sử - một hệ thống xã hội được xây dựng trên các mối quan hệ bạo hành đối với các nhóm dân cư của nó: từ thảm sát người dân bản địa, đến xâm chiếm chủ quyền thuộc địa (settler colonialism), đến bắt cóc, buôn bán và sở hữu nô lệ châu Phi, du nhập coolie châu Á, đánh chiếm và đô hộ các nước Mỹ Latinh, chiếm đóng và sáp nhập Hawaii vì lý do quân đội, nếu phải kể tên một vài - những mối quan hệ bạo hành công cộng lẫn riêng tư, giữa nhà nước và các nhóm đặc quyền với những nhóm không được bảo vệ, giữa người nam giới và người nữ giới, giữa chồng và vợ, vv. Nói cách khác, việc Trump trúng cử mặc dù là sự thật đáng sợ, nhưng không phải là điều không thể thấy được, với cái cách nước Mỹ phủ nhận quá khứ xâm lăng và bạo tàn của họ và cố xây dựng nước Mỹ như một hình mẫu lý tưởng về nền văn minh, tiến bộ, tự do, và nhân quyền.
Ví dụ như chiến thắng năm 2008 và 2012 của tổng thống Barack Obama đã tạo ra một thứ diễn ngôn “hậu chủng tộc” (post-racial) và sự phân biệt sắc tộc mù-màu (colobr-blind racism) khi căn tính sắc tộc da đen của Obama được coi là biểu tượng của việc chủ nghĩa phân biệt sắc tộc không còn tồn tại nữa, bất kể việc vị tổng thống này không thực sự có nhiều tiếng nói về các vấn đề phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống như luật pháp, nhà tù, bạo lực cảnh sát, vv. Những bài nói của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng vậy, rất truyền cảm hứng, nhưng cũng chỉ hướng tới thông điệp “mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn” với bản thân là minh chứng. Đâu đó trong những bài nói của mình, bà nói về việc bà là hậu duệ của tổ tiên nô lệ, và giờ đã trở thành đệ nhất phu nhân, và bởi vậy chứng tỏ xã hội đang ngày một tốt đẹp hơn và nước Mỹ đã trở nên dung tha hơn và giấc mơ Mỹ là có thực. Sự trỗi dậy của Trump đã chứng minh ngược lại, rằng những giá trị mà đảng Dân chủ đang dày công xây dựng cho nước Mỹ thực chất chỉ là một trong những lớp đường bọc ngoài viên thuốc chuột - tận trong cốt lõi của đất nước này vẫn là một chế độ chính trị bạo tàn dựa trên xâm lăng và bạo lực.
Người dân ở những nước “thế giới thứ ba” như chúng ta rất mong muốn được nhìn lên nước Mỹ và cho rằng họ có tự do và có tiếng nói, nhưng ở trong lòng nước Mỹ mới biết sự mị dân hay tuyên truyền chính trị vẫn xảy ra hàng ngày. Để lý giải cho chiến thắng của Trump, nhiều học giả và phóng viên đã chỉ ra sự vô đạo đức của báo chí mạng trong việc “câu view” và văn hóa viral khi các hãng thông tấn liên tiếp đưa thông tin về Trump bởi vì Trump có những phát ngôn gây shock đảm bảo sẽ thu hút sự chú ý của của người đọc. Thêm vào đó, sự tồn tại của mạng xã hội như FB đã tạo điều kiện sinh sôi cho những trang báo giả đưa thông tin sai lệch về cuộc tuyển cử, và cả những trang tin tức lề trái liên tục phủ nhận mối nguy hại từ Trump bằng cách tạo ra sự yên ổn giả tạo để trấn an nhóm tiến bộ rằng Trump chỉ là một trò đùa và Hillary Clinton chắc chắn sẽ thắng. Đây là điều tôi nói đến khi nói rằng nhiều người dân Mỹ đang bị dắt mũi bởi hệ thống chính trị và truyền thông của nó, cũng như sự ngây thơ cố tình về hiện thực xã hội xấu xí đằng sau những tấm bảng màu “dân chủ” rực rỡ, cái ảo tưởng này quyến rũ đến mức họ sẵn sàng chặn đứng những nỗ lực hòng cải cách xã hội và đòi quyền sống của những nhóm người bị chèn ép hơn.
Để kết bài - Những điều này có nghĩa là gì và điều gì đang chờ đợi nước Mỹ?
Bên cạnh những nhận xét của tôi về sự tương quan giữa bạo lực gia đình và bạo lực chính trị tại thời điểm hiện tại, có vài điểm cần lưu ý thêm mà tôi muốn nói đến trong bài viết này:
- Chiến thắng của Trump là minh chứng cho việc “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra,” mối mâu thuẫn sắc tộc vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ vốn được dán băng gạc suốt gần nửa thế kỉ qua (từ sau 1960s) đã bùng nổ và buộc những người vẫn sống được qua thời kì này phải đối diện với sự thực rằng nước Mỹ không phải là nơi an toàn và bình ổn như họ nghĩ.
- Cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ lần này đã chỉ ra một nỗi khủng hoảng chính trị to lớn trong nước Mỹ khi người dân trở nên chán ghét chế độ và giới hạn của nền “tự do dân chủ” khi hai đảng tìm cách thâu tóm lòng dân đều đã thất bại thảm hại và một ngôi sao truyền hình thực tế đã thâu tóm quyền lực, mở ra một thời kì đầy thử thách mới.
- Bạo lực lên ngôi. Chính quyền bạo lực. Chính trị bạo lực, và bạo lực về mặt đường lối, chính sách, nhận thức, hành vi cá nhân đã lan rộng ra toàn nước Mỹ như một thứ bệnh dịch. Cánh cửa đã được mở và ra và nhen nhóm sự trở lại của chế độ độc tài phát xít đang trở thành một mối hiểm họa.
- Nước Mỹ chưa bao giờ là một miền đất hứa như nó cố diễn. Và trong những năm tới đây, với sự tàn phá của chế độ cộng hòa dưới quyền Trump, vai diễn ấy sẽ không thể tiếp diễn được nữa.
- Sẽ có rất nhiều những nỗ lực để tổ chức biểu tình chống lại trên diện rộng, và nó sẽ kéo dài, và mạnh mẽ. Hãy chuẩn bị tinh thần.
----
Chú thích:
[1]: Trump đã có nhiều phát ngôn về việc ông “thích Hillary Hilton hồi 12 tuổi,” “sẽ hẹn hò với bé gái 10 tuổi,” “đã hẹn hò với Ivanka nếu đấy không phải là con gái của mình,” và gần đây nhất nhiều nguồn tin cho biết phóng viên thường trực của Washington Post Richard Cohen viết rằng tổng thống đắc cử Donald Trump đã từng hỏi “Cảm thấy hấp dẫn tính dục với con gái mình [lúc đó Ivanka 13] tuổi hơn vợ mình thì có sai không?” nhưng phần câu hỏi này đã bị chỉnh sửa và không xuất hiện trong bản in chính thức. Những thành viên của cuộc thi Hoa hậu thiếu niên Mỹ (Miss Teen USA) cũng đã từng tố cáo Donald Trump đi vào phòng thay quần áo của các em giữa giờ thay đồ.]
[2]: Hiện tượng này không hoàn toàn mới trong xã hội phương Tây, nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của ngành Y Dược và sự phát triển của khoa học kể từ thế kỉ 18 ở Anh, khi người nữ có thể dễ dàng bị cách ly vào viện tâm thần dựa trên tố cáo của chồng, cha, hoặc những người đàn ông trong gia đình họ, vì những lý do như không thể thỏa mãn những nghĩa vụ xã hội đặt ra cho người nữ, hoặc kháng lệnh chồng, vv. Chứng loạn thần kinh (hysteria), ví dụ, được tạo ra nhằm bệnh lý hóa sự đối kháng của nhiều người nữ trẻ cấp tiến không chịu thỏa hiệp với những áp bức của xã hội cũ đối với vai trò giới của họ. Đọc thêm Roy Porter, Mind-Forg’d Manacles: A History of Madness in England from the Restoration to the Regency (London: Athlone, 1987; Penguin edn, 1990) và Elaine Showalter, The Female Malady: Women, Madness and English Culture, 1830-1980 (London: Virago, 1987).