15 Dec 2016

Dịch thuật và rào cản của bản thể

Tôi lại nghĩ đến nàng

Trong số 4 của AJAR - nước - tôi rất thích một bài thơ của Nguyễn Quí Đức. Language - ông tự viết là Ngôn từ. Tôi không rõ bài thơ nào là “nguyên bản” - hoặc giả đây là hai bài thơ khác nhau được viết từ chung một ý tưởng, từ hai ngôn ngữ khác nhau, thể hiện hai căn tính khác nhau. Nguyễn Quí Đức nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và điều đó thể hiện rõ ràng ở hai bản viết có những mùi vị và tư chất hoàn toàn riêng biệt.

Khi đọc bản tiếng Anh, tôi đã cảm nhận bài thơ một cách rất riêng tư, đặc biệt là khổ sau, tôi bèn dịch. Rồi tôi đọc bản tiếng Việt ông viết, và rồi đột nhiên bài thơ mất đi sự thân quen hay mối liên hệ mà tôi có với bài thơ.


Bản tiếng Anh (NQĐ) Bản dịch (LTN) Bản Tiếng việt (NQĐ)
“I owe you more than apologies,
but no more words. I have talked always
of memory and suffering, given details
of where the skin was torn, the unbelievable,
unhealing scars. And I’ve talked until
I no longer know who you are

I thank you, for times I couldn’t see
that you remember, times I stayed blind.
My eyes still see nothing but what passed
long ago. I wait for some future that can put
my many parts back together.

But raindrops won’t go back into clouds.
Mấy thủa mưa rơi nước ngược về trời.

September was when we last spoke -
but you no longer remember.

When we last spoke, it was of demons
that inhabit the space we exiles
keep out of sight.

The language of exiles
has nowhere to go
but inside.”
“Tôi nợ nàng nhiều hơn là tạ lỗi
nhưng không nợ từ. Tôi đã nói quá nhiều
về kí ức và đau khổ, đã kể về
nơi da thịt rách toang và những vết sẹo
không tin nổi, khôn nguôi. Và tôi đã nói đến lúc
tôi không hình dung ra nàng nữa thì thôi.

Tôi tạ ơn nàng, vì những lúc tôi không thể thấy
rằng nàng ghi nhớ, những lúc tôi mù lòa.
Tròng mắt tôi chẳng thấy gì ngoài những điều đã qua
lâu lắm. Tôi vẫn đợi tương lai nào sẽ
gắn liền lại những mảnh tôi.

Nhưng mấy thủa mưa rơi nước ngược về trời.
Mấy thủa mưa rơi nước ngược về trời.

Tháng chín lần cuối cùng mình trò chuyện
nhưng nàng không nhớ nữa rồi.

Lần cuối cùng trò chuyện, mình nói về những con quỷ
đã chiếm đóng không gian lũ lưu đày chúng ta 
giữ đâu khuất mắt.

Ngôn ngữ của kẻ tha hương
chẳng đi được đến đâu
chỉ ngược vào trong.


“Anh nợ em nhiều hơn những lời tạ lỗi,
nhưng thôi, không nói thêm. Anh đã nói mãi
về kí ức, và khổ đau, mô tả chi tiết
về những nơi da bị rạch nát, và những cái sẹo
khó tin, không lành. Và anh đã nói 
đến khi không còn biết em là ai.

Anh tạ ơn em, về những lần anh không thấy
mà em còn nhớ, những lúc anh cứ mù câm.
Mắt anh không thấy gì ngoài những chuyện
đã qua từ lâu. Anh chờ một ngày mai
biết gom mọi phần tách biệt của anh thành một.

Nước mưa không nhỏ lên mây
Mấy thủa mưa rơi nước ngược về trời

Mình nói chuyện lần cuối vào tháng chín
nhưng em đã quên.

Lần cuối cùng mình nói chuyện
là nói về quỷ dữ sống ở nơi
người lưu vong như mình
giữ kín trong thâm tâm.

Ngôn từ của người lưu vong
không đi đâu được
nên cứ ngược vào trong
Tôi vẫn cho rằng dịch thuật phải là sống ở giữa hai thế giới, nói hai thứ tiếng nghĩa dường như đã là sống hai cuộc đời, mỗi một bên đều có những nền tảng riêng của nó. Ngôn ngữ chưa bao giờ chỉ là sự khác biệt giữa từ, lời, ngữ, nghĩa, nó là hệ thống cảm xúc - nói như Raymond Williams - thứ được quy định bởi lịch sử, xã hội, dịch chuyển, thay thế, sinh sôi, nảy nở, trải nghiệm, văn hóa. Làm thế nào để “dịch” từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia khi những ý nghĩa của ngôn từ được quy định bởi nền tảng đất, nước và con người được gieo trồng tắm tưới trong thổ nhưỡng khác nhau? làm thế nào để “dịch” được những sự tồn tại đã hình thành và giới hạn trong bản thể ngôn từ dùng để đại diện cho sự tồn tại ấy? Bản thân ngôn ngữ nói hay viết cũng đã là một công cụ chuyển dịch ý tưởng từ những hình ảnh, khái niệm, bức tranh trôi nổi trong tiềm thức thành một dạng thức tồn tại với hy vọng có thể truyền tải một cách chính xác nhất những tư duy của bản thân để người khác có thể hé nhìn vào hệ thống tư duy phức tạp của chúng ta. Nhưng nó (ngôn ngữ để người khác hiểu) cũng chỉ là một lỗ hổng trong khung cửa đóng kín nhìn vào một căn phòng sâu và rộng hơn những gì tầm nhìn cho phép - là thế giới nội tâm phức tạp của chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy, nhưng họa hoằn và hầu như không thể cảm nhận hay trải nghiệm những bão tố hay cầu vồng trong căn phòng ấy. Mọi bức tranh đều bị giới hạn bởi khung hình và những gì vượt ra khỏi nó, chúng ta chỉ có thể mơ hồ ước.

Người thơ viết thơ chính là viết về cuộc đời của họ. Người đọc đọc thơ chính là hy vọng tìm kiếm một sự đồng cảm cho cuộc đời của họ. Tôi nghĩ về những bài thơ tôi yêu thích, và bởi vì tôi là người đọc hãn hữu không có tham vọng rằng tôi sẽ hiểu được hết tất cả sự đẹp của thơ người khác cũng như sự xấu xí của nó, tôi chỉ có thể yêu thích những bài thơ tôi cảm giác rằng tôi hiểu. Nhưng ngay cả suy nghĩ này cũng đã bị thách thức ngược lại lúc này, khi tôi đọc bài thơ tiếng anh của NQĐ đã khiến tôi ngừng thở, và đọc bản tiếng Việt lại chẳng khiến tôi động tâm. Tôi thoáng có chút lo ngại cho cái lý do dễ dãi mà người như tôi thường hay nghĩ đến: mất gốc. Rằng tôi lại đi yêu thích thứ ngôn ngữ không phải của mình hơn là tiếng mẹ đẻ. Rằng tôi “sính ngoại” và coi thường “văn hóa Việt.” Nhưng lối suy nghĩ này sẽ giải thích sao khi bản thân người viết - NQĐ trong trường hợp này - đã viết bằng cả hai thứ tiếng và cả hai thứ tiếng đều là ngôn ngữ - đều mang tính đại diện cho căn tính của tác giả? Và tôi, tại sao tôi lại thích văn bản tiếng Anh hơn văn bản tiếng Việt, trong trường hợp này? Trong thư gửi bạn đọc, Nhã Thuyên đặt câu hỏi tương tự:
“Liệu tôi có thể viết trong một ngôn ngữ khác và nói rằng ‘tôi là người Việt,’ mà không quá ám ảnh về việc không viết bằng tiếng mẹ tôi, về việc phản bội tiếng tôi và làm người ngoài trong một ngôn ngữ khác? Liệu tôi có thể nói yêu người mà không lo lắng quá về việc phát âm sai tên người? Liệu tôi có thể viết trong tiếng của người và liệu người có thể rộng lòng đón nhận tình yêu giới hạn của tôi với tiếng của người?”
Câu hỏi này đưa tôi quay lại với suy tưởng rằng ngôn ngữ là công cụ chuyển dịch ý nghĩa của trải nghiệm cá nhân trong một xã hội đã đặt ra quy chuẩn đại diện. Những người viết bởi đã bị giới hạn bởi những quy chuẩn ấy (từ vựng, ngữ pháp, ý nghĩa xã hội được đồng thuận trên diện rộng) nên muốn vượt lên và xé rách những rào cản ấy, muốn được hòa làm một với người đọc, muốn người đọc có thể nhập thân và trải nghiệm, bơi trong dung môi và cùng kết tủa như một thứ phương trình hóa học nếu đúng quy trình thì trăm lần như một - một thứ “trải nghiệm khách quan” về thế giới chủ quan, nếu phải dùng đến ngôn ngữ khoa học. Ít nhất, đó đã là mong muốn tột bậc của tôi mỗi một lần đối thoại - qua lời nói hàng ngày, qua bài viết, qua tiểu luận, qua chữ nghĩa, qua thơ. Và cái rào cản giữa người với người, ngay cả khi họ “cận kề và mơn trớn” sát bên ta, như Xuân Diệu từng than, vẫn luôn là “hai vũ trụ chứa đầy bí mật.” Khi “ngôn ngữ” và “văn hóa” không phải là rào cản, sự thông hiểu tận cùng vẫn là bất khả. Người tình với người tình, cha mẹ với con cái, người lạ với người lạ, sự thật vẫn là chúng ta vẫn đang nhìn nhau “qua những khung cửa kính dày, không thể nghe nhau không thể nói” (Lưu Quang Vũ). Như vậy, một thứ tiếng khác, nếu có, cũng chỉ là một “lớp kính” dày đặc khác, và nếu cố gắng hà hơi chùi rửa, chúng ta vẫn là những người-nhìn, người-nghe, người-đọc, người-xem, và cố gắng hiểu - cố gắng hiểu. Hiểu theo cách tốt nhất mà ta có thể - hiểu bằng mọi phân tử, kí ức, cảm nhận, nội tại, tiềm thức, tri thức của bản thân ta - nói cách khác, hiểu trong phạm vi cuộc sống của ta. Tôi chỉ có thể hiểu người trong phạm vi những gì tôi sống, không thể gần hơn, không thể xa hơn.

Và bởi vậy, khi tôi đọc bản tiếng Anh của NQĐ, nó cho phép tôi được hiểu một cách gần gũi, một cách thân quen - tôi nhìn thấy những trải nghiệm đau đớn của tôi về nàng của tôi, người con gái đã lắng nghe những câu chuyện của tôi với hy vọng rằng nàng sẽ hiểu và bởi vì tôi đã nói quá nhiều tôi đánh mất cảm quan về nàng là một thực thể ở cạnh tôi - nàng trở thành một người nghe thụ động, một người đã nhớ và đã hiểu những câu chuyện tôi kể theo một cách tôi không thể biết. Nàng đọc tôi qua những ngôn từ tôi truyền tải, và tôi uất ức bởi nàng đã không hiểu tôi như cái cách tôi , mà chỉ có thể hiểu tôi qua những gì nàng trải nghiệm. Tôi đã không nhìn nàng như nàng ở đây, trong hiện tại, cạnh bên tôi mà nàng là một gương mặt như rất nhiều gương mặt đã đi qua đời tôi trong quá khứ, và bởi vậy tôi xếp nàng vào một quá trình dịch chuyển, giới hạn vị trí cho nàng như một kẻ sẽ luôn tiềm năng là kẻ bên lề, như những kẻ đã không còn đó. Và tôi bởi đã luôn là những mảnh vỡ vẫn chưa gắn liền kể cho nàng về những mảnh vỡ tôi hiện đang là, để nói về một tương lai tôi trở nên vẹn toàn - tương lai này mặc định không có nàng trong đó. Xin lỗi, tôi đã nói quá nhiều nên từ ngữ tôi không nợ, và bởi vì tôi đã luôn cho rằng mọi kết thúc đều giống nhau đều đổ vỡ, tôi đã loại trừ nàng khỏi tương lai toàn vẹn của tôi. Một cách tình cờ, lần cuối cùng tôi nói chuyện với nàng của tôi, với tư cách là hai người của nhau cũng là vào tháng chín, và bởi vậy câu thơ của NQĐ đã rúng động tâm can tôi. Tôi đã cố diễn tả cho nàng nghe về cuộc sống khác ở không gian khác, thứ dung môi tôi bơi với những đọa đầy của nó, thứ cảm giác nàng dù muốn cũng không thể hiểu nhưng tôi thực lòng mong nàng hiểu đến vậy nhưng không thể. Ngôn ngữ của kẻ tha hương - chẳng đi được đến đâu - chỉ ngược vào trong.

Bởi vì tiếng Anh đã trở thành một loại ngôn ngữ đại diện cho một con người khác, một cuộc sống khác, một loại tồn tại khác, hình thành nên từ những năm tôi sống ở xứ người, nên tôi đọc bài thơ và cảm giác rằng tôi có thể vay mượn thậm chí chiếm hữu những câu thơ này để nói về câu chuyện của tôi. Nhưng mọi bài thơ đều đến từ cuộc sống thật, và cái ảo tưởng mong manh về đồng cảm đã bị phá bỏ khi NQĐ viết bài thơ bằng tiếng việt, và rõ ràng đó là câu chuyện của NQĐ - người Huế lưu vong nói với người nữ của ông: những rạch nát da thịt và vết sẹo không lành không phải là ẩn dụ, sự lưu vong là bởi bắt buộc phải ra đi chứ không phải là lựa chọn, mất mát là mất nước, mất nhà, mất quê hương, hồi ức là những thứ bị tước bỏ - câu chuyện này là của NQĐ và tôi quay trở lại làm vai trò người-đọc, không thể hiểu và không có tư cách vay mượn bởi vì tôi là đứa con Cộng sản miền Bắc có gia đình tham gia cách mạng và thổ nhưỡng đã tưới tắm tôi là thứ đã đày ải NQĐ - một rào cản khác đã được nâng lên - rào cản thật, đường biên giới thật, đại dương đã nuốt lấy tàu của thuyền nhân thật, trại cải tạo thật, bạo lực thật, trại tị nạn thật: tôi chỉ có thể đứng ngoài khung cửa kín hé mắt nhìn vào lỗ hổng bên trong một căn phòng sâu và rộng hơn những gì tầm nhìn cho phép - là thế giới (nội tâm) phức tạp của ông.

Tôi thử đọc to ba khổ thơ - bản tiếng Anh - bản dịch tiếng Việt giọng miền Bắc - bản tiếng Việt giọng Huế (ba mẹ tôi là người miền Trung bởi vậy tôi có thể bắt chước phần nào giọng Huế), và dường như ba thế giới được dựng lên. Ba đoạn thơ, thứ đáng lẽ ra phải là một, lại là ba thế giới khác nhau - tôi lại là người đọc, người nghe, người nhìn, không phải là người sống hay người viết. Nhưng bởi vì tôi tha thiết muốn là một phần của thế giới đó, nên tôi đã chọn dịch, để có thể thông qua đó, tiết lộ bản thân tôi. Bản dịch không bao giờ chỉ là để truyền tải “ý nghĩa” của bản gốc - đơn giản chỉ bởi vì không thể - bản dịch, cũng như mọi loại ngôn từ khác, luôn luôn là nỗ lực, tiềm thức hay chủ động, của người-dịch-viết nhằm phá vỡ những tầng rào cản khác nhau giữa người-dịch và người-viết và người-đọc được hướng đến và người-đọc tình cờ và thế giới vật chất và cách mà mỗi một người trong chúng ta từ những vị thế khác nhau đã trải nghiệm thế giới ấy.

Và tôi cũng sẽ không bao giờ biết được thực lòng những người-đọc khác sẽ nghĩ gì.

LTN.