2 Nov 2016

why you love her and what to do - Yrsa Daley-Ward, Bone.

Tại sao em yêu nàng và những việc nên làm

By KaetheButcherIllustrations


I.
Bởi vì nàng, như em, được nuôi lớn từ mặt
ráp của lời nói dối và khi người
nữ to lớn ấy gấp toàn bộ bản thân vào trong em
bé xíu, em muốn giữ chặt lấy nàng mãi mãi
- an toàn khỏi mọi điều đã và sẽ xảy ra.
Em muốn mang nàng đi khỏi
tất cả những thứ đã từng hoặc là vẫn có thể làm nàng đau
bởi không ai trong hai người biết
giọng nói của cha mình.
Em biết tên và họ và
những thông tin nho nhỏ như là quê
của cha nàng và rằng cha em có đôi mắt chó con
đã cắt xuyên qua thói ương ngạnh của
mẹ em
nhưng còn sắc đen trên làn da ông hay cái cách
đôi bàn tay em trong tay ông… em chỉ có thể mơ hồ đoán
bởi vì em đùa rằng có khi nào hai người cha là một… điều này giải thích rất
nhiều và cũng khiến hai người phạm pháp,
nhưng những tình yêu tuyệt vời nhất đã xảy ra
khi em biết quá khứ của nàng trước khi nàng kể - chúng cũng là tất cả mọi
lỗi lầm của em, xảy ra ở một ngôi làng khác tròn mười sáu tuổi với những thằng đàn ông chín
vài thằng đã có những người vợ chín
bởi vì cơ thể luôn phản bội
cái tâm can trẻ nhỏ - khiến em có cái mùi
em không nên có, gán cho em cái hương
em chưa đủ tuổi để mang theo
làm những việc đàn bà mà em thậm chí
còn không đủ lớn để đón nhận sức nặng của một thằng đàn ông,
một cơn vỡ tim, hay một đứa con. Đây là lý do tại sao em yêu nàng.
II
Nên em phải ôm lấy nàng bằng đủ chiều dài của hai cánh tay
Nói rằng đã có quá nhiều thứ của nàng
bên trong em mất rồi. Cảm giác như em không thể chịu đựng
được nữa. Nói với nàng không, thôi ngưng lại đi,
đau lắm.
Biết rằng nàng làm em sợ và em đã
quá quen với lối sống như là con sói cô đơn than khóc
với trăng non và sửng sốt trước
sự dịch chuyển của nó ở mọi vùng đất mới.
Cho nàng biết sự nhẹ nhõm khi bỏ lại
mọi thứ phía sau. Nói với nàng đấy là một nỗi đau em đã
lớn lên cùng. Nói với nàng em sẽ trở lại.
Thăm nàng. Một cách thật lòng.
Nói với nàng yêu người khác sẽ tốt hơn.
Kiểu người dừng chân ở một nơi
và kiến thiết và biết cách ở yên một chỗ.
Biết rằng thói bảo mẫu của nàng không phải
là thứ để chịu đựng. Bảo nàng rằng em
đã thôi không trông chờ vào điều này từ hồi lên sáu.
Trông nàng hạnh phúc trong thì tương lai với
một người tốt hơn em. Quặn hết ruột gan
khi nhận ra, nhưng phải biết.

Đây là một trong những bài thơ mình cảm thấy rất tinh tế trong việc kể lại những vấn đề người nữ gặp phải trong một số địa phận ở châu Phi mà không mô tả châu Phi như là nơi rừng rú mọi rợ bóc lột đàn bà trẻ nhỏ một cách toàn thể. Cả cái khuôn mẫu "gia đình tan vỡ" bị gán như một vấn nạn của người gốc Phi với những người cha vắng mặt và những người mẹ đơn thân được nhắc đến chỉ bằng một hình ảnh, "không biết được sắc nâu trên làn da ông" và "chỉ có thể mơ hồ đoán" cảm giác của việc được cha nắm tay.

Khi nỗi ám ảnh với người cha như một dạng bệnh lý cổ điển vẫn được dùng để lý giải tại sao những người nữ dị tính hay lao vào những mối quan hệ độc hại, thì ở đây Yrsa viết về sự thiếu hụt, thậm chí tàn nhẫn của những người đàn ông như là điều kiện của tình nữ, một thứ tình theo Yrsa xuất phát từ mong muốn được che chở, bảo vệ, bù đắp, tương giao, sửng sốt, cô quạnh, và cuối cùng ra đi. Không phải là mối tình của người nữ thì không vững chãi, nhưng sự lành mạnh của thứ tình cảm vốn được coi là hệ quả của chấn thương tâm lý, sự e sợ đàn ông, thiếu vắng tình thương, không có tuổi thơ... trong rất nhiều những diễn ngôn về tình nữ lại nằm ở chỗ họ dám để nhau đi. Nó lành mạnh bởi vì nó chứng minh cho sự tồn tại của người nữ như những cá thể độc lập khỏi nhau và khỏi những vấn đề xã hội chung cả hai gặp phải. Khi "lý do em yêu nàng" đến từ việc cả hai cùng không biết mặt cha và đã trải qua ấu hôn từ nơi họ đến, thì "những điều cần làm" chính là "nói nàng yêu người khác sẽ tốt hơn."

Sự từ bỏ này không phải là về tâm tư mà là về bản thể, bởi Yrsa mô tả nỗi ám ảnh chưa được chữa lành của bạo hành và ngược đãi trẻ nhỏ cũng như những dư chấn của nó mà không cần phải dùng đến thứ ngôn ngữ khoa học được phát minh ra để mô tả trạng thái như vậy (mười sáu tuổi ở ngôi làng nọ những người đàn ông chín, cơ thể luôn phản bội tâm can trẻ nhỏ, lớn lên bằng kí ức của việc bị bỏ lại, dừng việc trông chờ ở người mẹ từ hồi lên sáu). Những dư chấn ấy kéo dài thành những vấn đề trong mối quan hệ của hai người sống sót theo một cách tinh xảo, lén lút, tiềm thức: nàng làm sống lại những kí ức đau đớn, sự tồn tại của nàng gợi nhắc đến những ám ảnh cũ, thói bảo mẫu của nàng thật nghẹt thở, em phải ra đi vì nếu không ra đi một mình thì em sẽ luôn là người bị bỏ lại.

Mình đọc bài thơ này như một dạng lời khai làm chứng lẫn phê bình cho những vấn đề tồn tại nhiều xã hội hơn ta tưởng. Khi xã hội phụ hệ và sự tàn bạo của gia đình hạt nhân đã làm tổn thương những đứa con gái theo cái cách nó không làm với con trai, thì những người nữ trưởng thành gặp nhau sẽ phải đối diện với những bóng ma nào? Tình ái là chính trị - nó thể hiện những bạo lực xã hội ở những khía cạnh gần gụi, riêng tư nhất; nó tàn phá cơ thể và tâm can con người vào những giờ khắc mong manh nhất, khi con người này nhận ra tình yêu của họ xuất phát từ những hư hại và đổ nát. Tôi đọc lại lúc vừa trải qua một trận can qua tương tự cho nên bài thơ rất thấm. Tell her she's better with somebody else... Feel sick when you feel it, but know it.